Kiến trúc của cư dân bản địa Kiến_trúc_Đà_Lạt

Giống như các dân tộc khác cư trú trên vùng Tây Nguyên, những người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho có một loại hình kiến trúc rất đơn giản, gần gũi với thiên nhiên và phù hợp với môi trường sống của họ.[89] Những buôn làng người Lạch thường quần tụ ven bờ suối, dưới chân núi, dọc theo những thung lũng nhỏ hoặc nằm rải rác trên các sườn đồi hẻo lánh. Khu đất lập buôn được khai hoang sạch sẽ, trống trải, chỉ chừa lại những cây lớn. Ở trong buôn, các ngôi nhà được dựng lên tùy tiện, thường không tuân theo một nguyên tắc chung nào.[90] Có những bộ tộc xoay hướng nhà của họ về phía nhà vị già làng hoặc về phía đường lớn hay dòng suối chảy ngang qua. Đặc điểm của buôn người Lạch là không có nhà rông, thay vào đó, nhà của vị già làng sẽ là nơi hội họp, tiếp khách. Những không gian trống còn lại trong làng là nơi sinh hoạt, vui chơi, cũng là nơi thả , lợn. Xung quanh buôn làng có hàng rào với cổng vào đơn sơ.[91] Khoảng cách giữa các buôn tùy thuộc vào điều kiện địa hình, địa vật và nơi canh tác của dân cư, thường vào khoảng 2 đến 3 km.[90] Cho đến tận ngày nay, kiến trúc nhà ở của cư dân bản địa Đà Lạt vẫn còn tồn tại hai loại hình mà người Việt thường quen gọi là nhà sàn và nhà đất. Trong đó, loại hình nhà sàn gần đây ít gặp hơn so với kiến trúc nhà đất, đặc biệt ở những vùng ven thành phố hay tại những khu vực mà người dân tộc thiểu số sống xen lẫn với người Việt.[89] Mặc dù vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sàn vẫn là loại hình tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số.[92]

Những ngôi nhà sàn là phản ứng tự nhiên của con người trước hoàn cảnh thiên nhiên, giải pháp tốt nhất về kiến trúc giúp họ có thể sinh sống an toàn, khắc phục những hạn chế về khí hậu ẩm ướt, địa hình làm nhà không bằng phẳng và có thể chống lại sự phá hoại của các loài thú dữ. Những ngôi nhà sàn của người Lạch được phân thành hai loại chính: nhà cho từng hộ gia đình riêng lẻ và nhà dài cho nhiều hộ gia đình trong một gia tộc.[91] Cũng như những người thiểu số khác ở Lâm Đồng, người thiểu số Đà Lạt sử dụng kỹ thuật làm nhà cổ truyền rất đơn giản.[92] Họ sử dụng những vật liệu địa phương như tranh, tre, nứa, lá... làm bộ xương mái và các loại gỗ tốt như cẩm lai, gụ, giổi, trám, đinh hương... để dựng nên khung nhà. Cấu trúc bộ sườn ngôi nhà cũng rất đơn giản, mỗi vì kèo gồm hai cột cái đẽo tròn, chân cột chôn sâu xuống đất khoảng 40 cm, đầu cột được khoét để ôm lấy xà dọc. Về kết cấu sàn, dầm ngang được ốp vào cột cái bằng ngàm khoét vào dầm và cột siết chặt bằng dây mây, cột theo hình chữ thập. Mỗi ngôi nhà có hai cửa đi đặt gần chính giữa hai đầu hồi: cửa trước nhìn ra lối xuyên thôn dành cho khách và đàn ông, còn cửa sau dành cho phụ nữ và người nhà.[91] Hầu hết các ngôi nhà đều không có cửa sổ và bên trong không được ngăn thành từng phòng.[93] Trong những ngôi nhà nhỏ dành cho một hộ gia đình thường có một hoặc hai bếp. Nhưng đối với các ngôi nhà dài dành cho nhiều gia đình, có thể có đến 10 bếp lửa xếp thành dãy ở giữa và dọc theo chiều dài ngôi nhà, mỗi bếp dành cho một hộ gia đình. Khoảng không gian dọc theo mặt vách từ đầu nhà đến cuối ngôi nhà là chỗ ngủ, được chia thành từng ô cho mỗi gia đình.[91] Ngày nay, những nét kiến trúc của cư dân bản địa chỉ còn lại những vết tích đơn giản trong một số ít ngôi nhà ở thôn Manline thuộc Phường 7 hay xã Tà Nung.[93] Những ngôi nhà của người dân tộc thiểu số giờ đây không nhiều khác biệt so với nhà ở của người Việt. Sự biến dạng này phù hợp với quy luật phát triển của xã hội người Thượng nói chung và của người Cơ Ho ở Đà Lạt nói riêng.[92]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kiến_trúc_Đà_Lạt http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lua-bao-trum-... http://web.archive.org/web/20100710152513/http://w... http://web.archive.org/web/20120808033755/http://w... http://web.archive.org/web/20121028033114/http://w... http://web.archive.org/web/20140221171406/http://w... http://web.archive.org/web/20140221190340/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201012/da-Lat-Hoi-sinh-... http://books.google.com.vn/books?id=B0jxZwEACAAJ http://books.google.com.vn/books?id=bO2tQwAACAAJ http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/11...